|
Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO - là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực |
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trong 1 tấn rơm chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon. Do vậy, việc đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Ngay từ đầu vụ thu hoạch, Hội ND huyện Đan Phượng (Tp Hà Nội) tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ xây dựng mô hình cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ tại 4 xã, tổng diện tích 25ha.
So với những ruộng đốt rơm rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá và nghẹt rễ sinh lý. Đồng thời, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất, hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau 13 - 15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.
Nhận thức rõ vai trò trong bảo vệ môi trường nông thôn, cùng với việc nhân rộng các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, Hội ND Đan Phượng đã vận động nông dân thu gom, tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm đã bố trí thùng đựng. Nhờ đó đến nay, trên nhiều cánh đồng không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi.
Các cấp Hội ND huyện Đan Phượng đã xây dựng được 25 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: Mô hình làm sạch đồng ruộng tại thị trấn Phùng, xã Liên Trung; phân loại rác thải tại nguồn ở các xã Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An; mô hình giảm thiểu bụi trong sản xuất mộc…
Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 52 nghìn ha diện tích gieo cấy. Hằng năm, lượng rơm rạ sau thu hoạch khá lớn. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa vụ mùa, do nhu cầu sử dụng thấp và thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa rất ngắn (khoảng 20 ngày) nên phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, nên muốn nhanh gọn, thuận tiện, phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại đồng, vừa gây ô nhiễm môi trường, gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng.
Nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ khoa học, bổ sung phân hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm công lao động và tăng năng suất cây trồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022-2024.
Theo đó, ngay từ đầu vụ mùa 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; tập huấn quy trình kỹ thuật, triển khai mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ mùa với tổng diện tích 5.000 ha.
Trong đó, 2 huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm Yên Lạc và Vĩnh Tường, mỗi địa phương được hỗ trợ 1.000 ha; các huyện Bình Xuyên, Sông Lô, Tam Đảo được hỗ trợ 500 ha; Lập Thạch 750 ha; Tam Dương 550 ha; thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Yên mỗi địa phương 100 ha.
Đến nay, đơn vị đã cấp phát chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tới các địa phương. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc triển khai hỗ trợ chế phẩm vi sinh Lacto Powder T xử lý gốc rạ thành phân bón hữu cơ trên cây lúa cho 45 xã, phường, thị trấn tham gia mô hình với quy mô 2.000 ha. Lúa sau khi được thu hoạch, dẫn nước vào ruộng giữ mức nước từ 2 – 3 cm, sử dụng 15 – 20 kg vôi bột/sào rải đều trên mặt ruộng, dùng máy lồng qua 1 lượt ruộng cho dập gốc rạ.
Dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt ruộng (lượng sử dụng: 28 kg/ha – tương đương khoảng 1 kg/sào). Tiến hành phay hoặc lồng lại 1 lượt nữa, cho thêm nước vào ruộng, giữ ngập mức nước 7 – 10 cm trong vòng 10 – 15 ngày. Sau đó tiến hành bừa, bón lót phân và trang phẳng ruộng để gieo cấy.
Với thành phần chủ yếu là các chủng nấm đối kháng và các vi sinh vật, sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh, rơm rạ được phân hủy nhanh, mục nát kịp thời trước khi gieo cấy vụ mùa; đồng thời giúp cải tạo đất, cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa, giảm hiện tượng vàng lá, ngộ độc hữu cơ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi tạo tiền đề cho năng suất, chất lượng cao.
Nhân rộng các mô hình sử dụng rơm rạ trong tái sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết, vừa hạn chế ô nhiễm, vừa gia tăng giá trị cây lúa từ việc tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có ở Nghệ An.
Vụ Xuân năm 2022, trên tổng số diện tích 91.650,21 ha lúa cho sản lượng khoảng 620.000 tấn lúa kèm theo chừng đó tấn rơm. Đây là nguồn nguyên liệu quý để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, làm đệm lót sinh học, che phủ cây trồng, sản xuất nấm, làm giá thể trong sản xuất hữu cơ và là nguồn phân bón hữu cơ hiệu quả.
Nhận thức được tầm quan trọng đó của rơm sau thu hoạch, đồng thời hạn chế tình trạng đốt rơm bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, gây hại cho ruộng đồng, thời gian qua, một số địa phương chú trọng hướng dẫn, phổ biến cho bà con nông dân các giải pháp sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả.
Do không có nhu cầu sử dụng rơm rạ, để thuận lợi cho việc làm đất nên hầu hết người dân sử dụng phương án đốt rơm rạ ngay tại ruộng, đồng thời lấy tro bón cho vụ sau...
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, khói từ rơm rạ bị đốt sẽ sản sinh ra khí CO, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đốt đồng không kiểm soát có thể khiến cháy lan trên diện rộng, làm đất chai cứng và lúa thường bị nghẹt rễ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và năng suất cây trồng.
Nhiều nơi, trên các cánh đồng dọc quốc lộ, tỉnh lộ, người dân đốt rơm khói cuộn nghi ngút, làm che khuất tầm nhìn của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đốt rơm rạ trên đồng sẽ thải khói bụi vào không khí, gây ô nhiễm.
Trong kỹ thuật canh tác, đốt đồng sẽ dễ làm chai đất, đất sẽ nhanh chóng bị bạc màu, thoái hóa. Tuy nhiên, hiện nay, do người dân ít chăn nuôi gia súc, cũng không có nhu cầu sử dụng rơm nên đốt đồng là phương án xử lý rơm rạ sau mỗi mùa vụ và trở thành thói quen khó bỏ.
Sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng có nhiều cái lợi: Thứ nhất, giá thành nguyên liệu rẻ, tiết kiệm chi phí sản xuất; thứ hai, không làm đất đai bạc màu, thoái hóa; thứ ba, là giải pháp chống hạn không cần nước, rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay.
Đặc biệt, trong khi giá phân bón vô cơ “leo thang” thì chi phí sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ lại rất rẻ, chỉ hết khoảng 200.000 đồng để cho ra 1 tấn phân vô cơ. Hội Nông dân huyện Tân Kỳ đã triển khai thực hiện ủ phân bón hữu cơ trên địa bàn các xã thị rất hiệu quả, trong đó, rơm rạ sau thu hoạch là nguồn nguyên liệu chính.
Trung bình mỗi năm, nông dân Tân Kỳ sản xuất ra khoảng 5.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 70% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.
Việc khuyến khích người dân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng là giải pháp hữu hiệu, vừa khắc phục được tình trạng đốt rác thải không đúng quy định, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và bà con. Đồng thời, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc tuyên truyền, cảnh báo về những tác hại của đốt rơm rạ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành thu mua rơm; có chế tài xử lý đối với việc đốt rơm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Duy Huy
Nguồn:
https://baonghean.vn/nghe-an-nhan-rong-mo-hinh-rom-vang-sau-thu-hoach-post253888.
html http://nongsinh.com.vn/bien-rom-ra-thanh-phan-huu-co-nha-nong-ngoai-thanh-ha-noi-huong-loi-kep.html
http://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/ID/78961/xu-ly-rom-ra-sau-thu-hoach--loi-ich-kep-cho-nong-nghiep